Đặc điểm Tiếng_Việt_tại_Hoa_Kỳ

Thông báo tuyển dụng nhân viên siêu thị Lee's Supermarket dùng nhiều từ tiếng Anh pha trộn trong nội dung tiếng Việt ("cashiers" thay vì "thu ngân" và "text" thay vì "nhắn tin")

Sau nhiều năm không tiếp xúc với tiếng Việt trong nước, tiếng Việt ở hải ngoài mà điển hình là ở Hoa Kỳ có một số khác biệt. Tác giả Đào Mục Đích tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã quan sát một số đặc điểm tiếng Việt ở hải ngoại qua khảo sát một số trang web chủ yếu được xuất bản ở Hoa Kỳ. Ông nhận thấy tiếng Việt ở hải ngoại chịu nhiều ảnh hưởng từ tiếng Anh, và có một số khác biệt về chính tả, từ vựng với tiếng Việt phát triển tại Việt Nam.

Ảnh hưởng từ tiếng Anh

Được phát triển trong môi trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính, nhiều người sử dụng tiếng Việt tại Hoa Kỳ còn thông thạo tiếng Anh. Do đó, trong ngôn ngữ hàng ngày, nhiều người sử dụng các từ vựng tiếng Anh vào chung trong các câu nói tiếng Việt.[76] Đào Mục Đích cho rằng tiếng Việt hải ngoại chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tiếng Anh, trong cách dùng có từ ngữ có lẽ được dịch từ tiếng Anh nên xa lạ với cách diễn đạt trong nước, cũng như trong việc dùng xen kẽ từ ngữ tiếng Anh trong các ấn phẩm báo chí, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.[77] Về cú pháp, tác giả cũng nêu ra một số cách diễn đạt được cho là chịu ảnh hưởng từ tiếng Anh, như cấu trúc "bị/được bởi/do/nhờ" được sử dụng với tần số cao trong khi ở Việt Nam vẫn còn sử dụng hạn chế vì còn có nhiều tranh cãi.[78]

Đối với người sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ di sản (ngôn ngữ sử dụng trong gia đình khi còn nhỏ), việc sử dụng tiếng Việt có thể sẽ có nhiều đặc điểm ảnh hưởng từ tiếng Anh như: dùng những từ có nghĩa tổng quát hơn tương ứng với một từ tiếng Anh khi có nhiều từ cụ thể để dùng được (carry - mang, vác, khiêng, bồng bế, xách, bưng; wear - mặc, mang, đeo, đội), sử dụng các loại từ đơn giản (cái) hay không sử dụng loại từ, không sử dụng từ láy, hoặc sử dụng các đại từ nhân xưng đơn giản (con).[79]

Khác biệt với tiếng Việt tại Việt Nam

Sau 1975, tiếng Việt tại Việt Nam được chuẩn hóa qua sự giao thoa giữa các ngôn ngữ vùng miền; trong khi đó, tiếng Việt tại hải ngoại vẫn sử dụng ngữ âm và từ vựng miền Nam trước 1975.[80]

Khác biệt chính tả[81]
Tiếng Việt hải ngoạiTiếng Việt tại Việt NamVí dụ
-anh-inhtài chánh - tài chính, chánh trị - chính trị
-inh-ênhbinh vực - bênh vực, bịnh viện - bệnh viện
-ơn-âncổ nhơn - cổ nhân, nhơn dịp - nhân dịp
-ưt-âtnhứt định - nhất định, chủ nhựt - chủ nhật
-o-uvõ lực - vũ lực, cổ võ - cổ vũ
-âu-utịch thâu - tịch thu, thâu video - thu video

Theo Đào Mục Đích, tiếng Việt hải ngoại sử dụng nhiều từ Hán-Việt trong tên các địa danh mà ngày nay ở Việt Nam không còn sử dụng nữa (ví dụ Á Căn Đình, A Phú Hãn, Phi Luật Tân, Tô Cách Lan), hoặc trong các từ trong nước dùng từ thuần Việt (ví dụ điều giải - hòa giải, đệ nhị thế chiến - chiến tranh thế giới thứ hai, túc cầu - bóng đá) hay vay trực tiếp từ tên nước ngoài (ví dụ sinh tố - vitamin, phụ hệ di truyền thể - DNA, Mỹ kim - đô la Mỹ).[81] Tiếng Việt hải ngoại còn có xu hướng tạo từ ghép mới từ các yếu tố gốc Hán - một xu hướng mà ông cho là có tương đồng với báo chí trong nước.[81] Ông cũng chỉ ra một số cách sử dụng từ mà ông cho là thiếu chính xác, không đúng ngữ cảnh.[77]

Ngược lại, những nhà hoạt động trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt như nhà báo Trần Phong Vũ cho rằng tiếng Việt trong nước có nhiều từ mới đang được sử dụng sai với nghĩa nguyên gốc, như chữ "vô tư" được sử dụng với nghĩa "như một thái độ tự nhiên". Ông cho rằng có nhiều phát triển mới trong tiếng Việt trong nước có xu hướng "đi ngược lại đạo lý", ngược lại "truyền thống khiêm tốn" của người Việt, với những từ ngữ "đao to búa lớn" vô nghĩa đang phổ biến rộng rãi, dù có một số sáng tạo khéo léo và khôn ngoan có thể chấp nhận được.[82] Năm 2018, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thống nhất Chính tả tiếng Việt nhằm thống nhất chính tả tiếng Việt tại Hoa Kỳ, thu hút nhiều nhà văn và nhân sĩ gốc Việt tại đây.[83] Trong hội nghị này, các tham dự viên đã biểu quyết và đồng thuận việc giữ nguyên bảng chữ cái tiếng Việt gồm 23 ký tự (không thêm chữ f hay j), đánh dấu trên âm chính (theo ngữ âm học), không hủy bỏ sử dụng chữ "i" hay "y", và sử dụng từ Hán-Việt sao cho đúng ý nghĩa và đúng chỗ (hội nghị cho rằng các từ như "liên hệ", “hoành tráng”, “triển khai/khai triển”, “đảm bảo/bảo đảm” đang bị sử dụng bừa bãi).[84][85]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng_Việt_tại_Hoa_Kỳ http://www.kvue.com/news/education/aisd-vietnamese... http://www.nytimes.com/2012/10/19/us/politics/more... http://viendongdaily.com/dai-vnatv-573-co-them-2-b... http://viethocjournal.com/2020/07/ngon-ngu-nguoi-v... http://www.seasite.niu.edu/jsealt/Vol12Fall2006/Ar... http://www.bsa.ca.gov/pdfs/reports/2010-106.pdf#pa... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32750283 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7893523 http://web.archive.org/web/20210507092049/https://... //doi.org/10.1044%2F2019_AJSLP-19-00146